Halloween Costume ideas 2015

CHI TIẾT TIẾP CẬN BỆNH NHÂN ĐAU ĐẦU

HƯớng dẫn cách tiếp cận chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đau đầu, cập nhật hướng xử trí, điều trị, chăm sóc, sơ đồ hệ thống hóa kiến thức


NHỨC ĐẦU

I.Định nghĩa
-  Nhức đầu (đau đầu) là bao hàm tất cả các loại nhức ở đầu hoặc ở cổ, nhưng thông thường ta dùng từ nhức đầu chỉ để nói tới những cảm giác khó chịu vùng vòm sọ.
- Thường kèm với triệu chứng chóng mặt. Chóng mặt là 1 ảo giác, bệnh nhân có cảm giác môi trường xung quanh xoay tròn hoặc bản thân bệnh nhân xoay tròn

II. Phân loại nhức đầu
Có 2 loại : + Nguyên phát
                  + Thứ phát

BẢNG PHÂN LOẠI NHỨC ĐẦU QUỐC TẾ LẦN II – 2004
The International Classification of Headache Disorders, 2nd edition – 2004 (ICHD - II)
Phần 1: Nhức đầu nguyên phát
1. Migraine:              Migraine không tiền triệu
         Migraine có tiền triệu
         Migraine mạn tính
2. Nhức đầu căng cơ:Nhức đầu căng cơ cơn không thường xuyên
Nhức đầu căng cơ cơn thường xuyên 
Nhức đầu căng cơ mạn tính
3. Nhức đầu cụm và đau đầu dây V tự chủ:  Nhức đầu cụm
  Nhức nửa đầu kịch phát
4. Các Nhức đầu nguyên phát khác: nhức đầu khi ngủ, nhức đầu sét đánh nguyên phát, nhức nửa đầu liên tục.
Phần 2: Nhức đầu thứ phát
5. Sau chấn thương đầu và cổ.
6. Bệnh mạch máu trong sọ và cột sống.
7. Nhức đầu liên quan bệnh nội sọ khác không do nguyên nhân mạch máu: tăng áp lực nội sọ tự phát, đau đầu sau chọc dò màng cứng, u nội sọ, đau đầu sau co giật động kinh.
8. Nhức đầu do thuốc.
9. Nhức đầu do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
10. Rối loạn cân bằng nội môi: thiếu oxy mô, tăng huyết áp.
11. Bệnh ở cổ, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt.
12. Nhức đầu trong rối loạn tâm thần.
13. Nhức thần kinh sọ và đau mặt do nguyên nhân trung ương: đau dây thần kinh V.
14. Các nhức đầu khác, đau thần kinh sọ và đau mặt nguyên phát hoặc do nguyên nhân trung ương (chưa phân loại).

III. Nguyên nhân
 
Nhức đầu là một trong những cảm giác khó chịu thường gặp nhất của con người, là một triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, xuất hiện trong rất nhiều bệnh.Nhức đầu có thể là dấu hiệu đầu tiên, duy nhất trong một thời gian dài của một bệnh thần kinh thực thể hay bệnh nội khoa.
1. Nguyên nhân mạch máu
* Nhức đầu vận mạch: là thể thông thường nhất, do một rối loạn vận mạch trong não, thường gặp trong các bệnh nhiễm trùng, sốt, các trạng thái thiếu oxy não, đói, nhiễm độc rượu và thuốc lá mạn tính.
* Nhức nửa đầu (Migraine thông thường):  Khám trong cơn thấy động mạch thái dương căng, nổi ngoằn ngoèo, nẩy, đập mạnh ở bên nhức.
* Tăng huyết áp:
– Ngoài nhức đầu, bệnh tăng huyết áp còn có những triệu chứng khác như: chóng mặt, đánh trống ngực, chảy máu cam, ù tai, mất ngủ, đi đái đêm…
– Tính chất nhức đầu trong tăng huyết áp thường gặp trong tăng huyết áp nặng, hay nhức ởvùng chẩm, xảy ra buổi sáng và giảm dần trong ngày.
* Giãn mạch nửa đầu: nhức một bên và nhạy cảm với histamin.
* Viêm động mạch thái dương (bệnh Horton):
– Là một bệnh viêm hệ thống động mạch, chủ yếu là động mạch thái dương. Nữ bị nhiều hơn nam, hầu hết là trên 60 tuổi, có yếu tố di truyền. Thường nhức một bên thái dương, nhức thường xuyên, tăng lên khi kích thích nhẹ (chải đầu, đeo kính…).
– Trong cơn kịch phát: nhức đầu dữ dội.
– Có thể nhức buốt theo mạch đập.
– Nhức đầu ở vùng thái dương lan ra vùng trán và hốc mắt cùng bên.
– Khi khám phát hiện thấy một đoạn thừng động mạch thái dương cứng màu đỏ tím, ấn đau. Sờ thấy động mạch có chỗ to nhỏ không đều, mạch đập yếu hoặc không đập.
– Có thể phát hiện tổn thương khu trú ở một số động mạch khác.
– Toàn thân bệnh nhân có sất, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
– Có thể có biểu hiện mù mắt đột ngột, do nghẽn hoàn toàn động mạch mắt, một số trường hợp biểu hiện thiếu máu não, viêm động mạch ngoài sọvà viêm động mạch các chi.
2. Nguyên nhân nội sọ
* Tăng áp lực nội sọ: thường nhức đầu vào buổi sáng, lúc gắng sức, đôi khi thường xuyên.
* U não:
– Lúc đầu, nhức đầu xuất hiện thành những cơn ngắn, rồi sau kéo dài và trở thành thường xuyên, đôi khi không chịu nối.
– Nhức có thể xuất hiện tăng lên và mất đi theo sự thay đổi tư thếcủa đầu: khi đó bệnh nhân có tư thế bắt buộc, nằm nghiêng sang bên hoặc nằm ngửa, đầu cúi ra trước, ra sau. Nguyên nhân gây nên các tư thế bắt buộc của đầu là do:
+ Kích thích các rễ thần kinh cảm giác.
+ Kích thích tai trong.
+ Những thay đổi của tuần hoàn dịch não tuỷ.
– Nhức đầu xuất hiện hoặc nhức tăng lên khi:
+ Đè ép động mạch cảnh hoặc truyền các trung dịch ưu trương.
+ Nhức khu trú dội lên khi gõ vào đầu.
– Vị trí nhức đầu xuất hiện đầu tiên có liên quan đến vị trí khối u, 1/3 số bệnh nhân u não có vị trí nhức đầu trùng với vị trí khối u. Nhức đầu chỉ có vị trí định khu khi không có tăng áp lực nội sọ.
* Áp xe não: kèm theo sốt, tăng áp lực nội sọ.
* Viêm màng não và chảy máu dưới màng nhện: bình thường màng nuôi và màng nhện không nhạy cảm nhức. Nhưng trong viêm màng não và chảy máu dưới màng nhện thì bệnh nhân lại nhức đầu dữ dội là do: 
– Những cấu trúc (bình thường đã có sẵn tính nhậy cảm với nhức) chạy qua hoặc áp sát vào màng nuôi bị kích thích như: những động mạch lớn của nền sọvà các nhánh của nó, những xoang tĩnh mạch lớn.
– Các dây thần kinh sọ não bị kích thích:
+ Các dây thần kinh giác quan bị kích thích sẽ phát sinh sợ ánh sáng, sợ nói to.
+ Các dây thần kinh cảm giác bị kích thích sẽ gây tăng cảm giác nhức.
+ Các dây thần kinh vận động bị kích thích gây nên co cứng màng não, co cứng nhức ởgáy, co cứng hàm.
– Đôi khi đám rối màng mạch bị kích thích gây tăng áp lực dịch não tuỷ.
3. Nguyên nhân ở sọ
– Thường gặp trong bệnh Kahler, các u xương di căn vào hộp sọ, phát hiện bằng chụp Xquang sọ.
– Tổn thương các dây thần kinh cảm giác: nhức đọc theo các đây thần kinh bị tổn thương, ấn vào nhức có thể là zôna.
4. Nguyên nhân ngoài sọ
– Nhức đầu do bệnh mắt:
+ Các tật chiết quang, viêm mống mắt thể mi, nhức đầu nhiều khi ở trán, tăng lên khi gắng nhìn.
+ Glaucome: nhức đầu dữ dội, nhức trong hố mắt, nhìn vào đèn thấy có quầng xanh đỏ nhưcầu vồng, ấn nhãn cầu thấy căng cứng, tăng nhãn áp.
+ Ngoài ra còn gặp nhức đầu sau khi làm việc bằng mắt, đọc sách, xem vô tuyến.
– Nhức đầu do bệnh tai mũi họng:
+ Viêm tai giữa, viêm xương chũm, nhức đầu thường ởthái dương, ởmột bên và cách hồi, nắn vào xương chũm gây nhức.
+ Vẹo vách ngăn mũi, phì đại xương cuốn mũi.
+ Viêm xoang trán, xoang mũi hoặc xoang sàng: nhức đầu chủyếu vào buổi sáng và tăng lên khi lạnh.

– Nhức đầu do bệnh răng:
Các bệnh sâu răng, áp xe chân răng, răng khôn mọc lệch thường nhức tại chỗ, nhưng có thể nhức lên thái dương, đỉnh đầu, khi cắn vật cứng nhức tăng lên.
5. Nguyên nhân khác
* Nhiễm độc: rượu, nhiễm độc chì, asen, hút nhiều thuốc lá: thường nhức toàn 
bộ đầu.
* Nhức đầu sau chấn thương:
– Nhức đầu xuất hiện vài ngày sau chấn động não hay đụng giập não, thường khu trú ở chỗ bị thương, tăng lên do các trạng thái xúc cảm và thay đổi tư thế.
– Một thời gian sau chấn động não hoặc đụng giập não, nhức đầu xuất hiện ngày một tăng, đồng thời lại xuất hiện những triệu chứng thần kinh thực thể  thì phải nghĩ tới khả năng có  máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
* Nhức đầu sau chọc tủy sống:
– Xảy ra vài giờ sau chọc dò tuỷ sống và kéo dài 1 – 2 ngày. Nhức có tính chất căng kẻo, đôi khi như mạch đập, nhức tăng ở tư thế ngửa  hoặc đứng, hoặc sau các cử động mạnh của đầu, ho, gắng sức.
– Chọc ống thắt lưng bằng kim cỡ lớn, gây nhức đầu nhiều và kéo dài hơn dùng kim nhỏ.
– Áp lực dịch não tuỷ giảm đã làm thay đổi cân bằng thuỷ tĩnh của não và tác động đè ép tới các cấu trúc nhạy cảm nhức.
– Sự căng thẳng nội tâm và lo lắng sợ hãi sau chọc dò tuỷsống là yếu tố thuận lợi 
gây nhức đầu.
* Sốt: sốt cao gây giãn mạch gây nên nhức đầu. Nhức nhiều ở vùng trán, chăm 
hoặc toàn bộ đầu.
* Thiếu máu: xuất hiện trong trường hợp thiếu máu nặng, hoặc ở những người bình thường ở độ cao.
Nhức đầu do thay đổi áp lực ở tai, xoang mặt. Làm động tác nhai, nuốt hay nghiệm pháp Valsalva thì sự chênh lệch áp lực sẽ được thăng bằng nhanh chóng.
* Viêm xơ các cơ ở cổ: xác định điểm nhức ở chỗ bám các cơ cổ.
IV. Cơ chế nhức đầu
Một tác động vào thành phần có cảm giác của các tổ chức trong sọ đều gây nhức đầu theo nhiều cơ chế.
* Cơ chế thần kinh:
– Tác nhân kích thích:
+ Tổn thương tại chỗ: viêm màng não, vết thương sọ não ảnh hưởng tới màng cứng, xâm nhập của khối u.
+ Kích thích cơ học: đè ép, co kéo màng não và các mạch máu não trong tăng áp lực nội sọ, u não, áp xe não, hoặc rối loạn tuần hoàn máu và dịch não tuỷ.
– Bộ phận kích thích:
Màng cứng, thành mạch máu trong sọ có nhiều cơ quan nhận cảm, có nhiều tận cùng thần kinh cảm giác.
– Đường dẫn truyền kích thích:
Khi các thụ thể bị kích thích, xuất hiện các xung động thần kinh. Các xung động đó được truyền lên não bằng dây V, dây IX, dây X và dây cổ I, II, III. Đường dẫn truyền này đi qua hai chặng quan trọng là qua đồi thị và qua chất lưới.
* Cơ chế phản xạ:
Do rễ cảm giác của dây V nằm trong vùng cầu – hành não, bên cạnh những dây thực vật. Có lẽ vì vậy nhiều bệnh của cơ quan nội tạng gây nhức đầu
* Cơ chế thần kinh thể dịch:
Do kích thích các thụ thể hóa học ở thành mạch máu, ở màng não trong nhiễm độc nhiễm khuẩn toàn thân, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết.
* Tăng tính hưng phấn của tế bào vỏ não:
Trong suy nhược thần kinh, vỏ não ở trạng thái mà ngưỡng chịu kích thích của vỏ não bị hạ thấp. Vỏ não tiếp thu cả những kích thích nhỏ, thường xuyên từ các cơ quan nội tạng truyền tới, do đó bệnh nhân hay cảm thấy nhức đầu.
V. VỊ TRÍ THƯỜNG NHỨC ĐẦU


VI. LÂM SÀNG
1. Hỏi bệnh
Cùng một lúc một bệnh nhân có thể có nhiều loại nhức đầu khác nhau (như nhức đầu do viêm xoang, do tăng huyết áp, do các dây thần kinh ngoại vi vùng sọ mặt, nhức đầu Migraine… ). Cần lưu ý rằng những bệnh nhân có nhức đầu mãn tính có thể tự phân biệt được các loại nhức đầu khác nhau của họ.
Người thầy thuốc cần khai thác để xác định chứng nhức đầu nào của bệnh nhân đang chiếm ưu thế và cần được ưu tiên điều trị trước.
1.1. Cách khởi phát: thông thường mỗi loại nhức đầu có một cách khởi phát tương đối đặc trưng. Ví dụ:
- Kịch phát, đột ngột: có thể do chảy máu nội sọ.
            - Đột ngột, dữ dội, phụ thuộc vào tư thế : thường do u não thất.
            - Cường độ tiến triển tăng dần trong 1 thời gian dài: thường do khối phát triển nội sọ.
            - Nhức đầu tái diễn, thành cơn, khởi phát ở tuổi thiếu niên và người trẻ, hay gặp ở nữ giới, kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, thường là Migraine.
            - Những loại nhức đầu tái diễn và kéo dài trong nhiều năm thường là lành tính.
            - Nhức đầu type Tension thường là mạn tính, tiến triển thành đợt, v.v…
1.2. Vị trí đau: vị trí nhức đầu của bệnh nhân cần được xác định rõ ràng. Nó có vai trò tương đối quan trọng trong việc xác định nguyên nhân. Ví dụ:
             - Đau một bên thay đổi khi bên phải, khi bên trái thường là Migraine. Migraine có thể khu trú mọi vị trí trên sọ mặt nhưng thường ở vùng thái dương.
             - Đau một bên hốc mắt cố định, thời gian của cơn ngắn thường là nhức đầu Cluster.
             - Nhức đầu do răng- mắt- xoang thường khu trú ở vùng trán, cũng có thể đau ở vùng đỉnh và chẩm - gáy (trong viêm xoang sàng, xoang bướm).
              - Adenom tuyến yên thường nhức hai bên thái dương.
             - U hố sau giai đoạn sớm thường nhức ở vùng chẩm.
              - U trên lều nhức ở trán - đỉnh, nếu màng cứng và xương sọ bị thương tổn theo thì nhức khu trú trên vùng tổn thương.
              - Ổ máu tụ dưới màng cứng: nhức tiến triển nặng lên rất nhanh ở ngay trên vị trí hoặc bên cạnh ổ máu tụ.
              - Nhức đầu do căng thẳng (Tension typ headache): khu trú một hoặc hai bên, nhức nhất vùng cổ vai và chẩm, cũng có khi nhức cả vùng trán.
              - Nhức đầu do suy nhược thần kinh thường lan toả, kiểu đội mũ chật.
              - Đau các dây thần kinh vùng sọ mặt thường đau tăng, đau chói khi ấn các điểm xuất chiếu các dây thần kinh tương ứng v.v…

1.3. Tần số và chu kỳ của nhức đầu tái diễn:
  - Cơn Migraine; không nhức hàng ngày hoặc tồn tại lâu dài. Tần số thường từ 1- 2 cơn/ tuần, nếu bệnh nhân có hơn 8 cơn/tháng thì nên thận trọng khi chẩn đoán là Migraine vì tần số cơn Migraine không nhiều như vậy.
               - Nhức đầu chuỗi (Cluster headache); xảy ra hàng ngày và kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng, sau đó là thời gian ổn định tương đối dài. Tuy nhiên nhức đầu chuỗi mạn tính có thể kéo dài hàng năm.
               - Chứng nhức nửa đầu thành cơn mãn tính; thường xảy ra nhiều lần trong ngày và kéo dài hàng năm.
1.4. Thời gian kéo dài của cơn:
            - Bệnh Migraine chỉ có cơn kéo dài từ 4 - 72 giờ, thường đạt cường độ nhức dữ dội sau khi khởi phát 1- 2 giờ.
            - Nhức đầu chuỗi: cơn kéo dài 20 - 60 phút, đặc trưng của chứng nhức này là đạt cường độ cực đại ngay lập tức,.
            - Nhức đầu Tension: cơn nhức tăng trong vài giờ, cường độ ít khi dữ dội nhưng cơn thường tồn tại lâu ngày, có khi hàng năm.
            - Cũng có bệnh nhân có nhức đầu hỗn hợp (mixed or tension- vascular headache), khi đó thời gian cơn nhức sẽ thay đổi.
            - Trong chảy máu nội sọ, nhức đầu đạt cực đại ngay lập tức và tồn tại thường xuyên liên tục trong thời gian tương đối dài.
            - Nhức DTK chẩm, nhức DTK số V diễn biến theo các cơn ngắn, cũng có khi nhức nhẹ nhưng kéo dài.
1.5. Thời gian xuất hiện:
            - Nhức đầu chuỗi: thường xuất hiện khi ngủ và có thiên hướng lặp lại đúng thời gian đó.
            - Migraine xuất hiện bất kỳ nhưng có thiên hướng xuất hiện vào các buổi sáng.                          
           - Tăng áp lực nội sọ: nhức nhiều khi đêm về sáng làm bệnh nhân tỉnh dậy, cường độ nhức tăng khi đi lại.
           - Nhức đầu Tension: thường nhức ban ngày và tăng về cuối ngày.
1.6. Các yếu tố gây cơn:
            - Migraine: nhiều bệnh nhân có cơn nhức khi thay đổi thời tiết, mất ngủ hoặc ngủ dài (hoặc ngắn) hơn bình thường, khi ăn một số thức ăn nhất định (chocolate, tôm…), sau khi uống rượu (nhất là rượu vang đỏ), bia, nhìn ánh sáng chói. Các bệnh nhân nữ thường có cơn nhức vào chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng…
          - Bệnh lý nội sọ, đặc biệt bệnh lý hố sau: nhức tăng khi cúi, ho, khi làm nghiệm pháp Valsava.
- Giảm DNT: ngồi, đứng nhức nhiều nhưng khi nằm đỡ nhức nhanh.
1.7. Tính chất và cường độ:
            - Đa số các tác giả trên thế giới tính cường độ nhức theo phương pháp thang nhìn tương ứng (analog visual scale hay VAS) với 10 điểm.
            - Migraine: tính chất mạch đập, cường độ vừa đến dữ dội.
            - Nhức đầu chuỗi: nhức nhức, nặng nề như khoan, ổn định về cường độ.
            - Nhức đầu do căng thẳng: cảm giác căng, chặt, đầy, ép.
            - Nhức đầu do bệnh lý màng não: cường độ rất dữ dội, nặng nề, kéo dài liên miên.          
- Nhức DTK số V; IX, cơn nhức ngắn, nặng nề, như dao đâm, rát bỏng.  
- Sốt, tăng HA: có tính chất như mạch đập v.v…
1.8. Tiền triệu, các triệu chứng thoảng qua và các triệu chứng kèm theo:
            - Muốn chẩn đoán chính xác nhức đầu cần phải kết hợp với các triệu chứng kèm theo cơn nhức.
            - Aura: triệu chứng não khu trú thoảng qua (20 - 30 phút) thường xảy ra trước cơn Migraine dưới 1giờ, biểu hiện là những rối loạn vận động, cảm giác, ngôn ngữ, hoặc các triệu chứng thân não (chóng mặt, nói ngọng, thất điều, bại tứ chi, nhìn đôi).
            - Co đồng tử, sụp mi, tăng tiết nước mắt, xung huyết kết mạc, ngạt mũi, nề mặt, quanh hốc mắt, đỏ mặt bên nhức là các triệu chứng kèm theo trong cơn nhức đầu chuỗi.
            - Sốt: phản ánh trường hợp nhức đầu do sốt nhiễm khuẩn.
            - Do tổn thương cấu trúc nội sọ: nhức đầu dai dẳng, tiến triển tăng dần.
            - Glaucom và bệnh lý nhãn cầu: thường gây đỏ mắt v.v…
1.9.  Yếu tố tăng đau:
            - Nhức tăng khi ho: tổn thương nội sọ, tăng áp lực nội sọ.
            - Vận động tăng nhức:  bệnh cơ, xương, khớp hoặc bệnh chèn ép các dây thần kinh ngoại vi cảm giác hoặc hỗn hợp.
            - Hoạt động, vận động cơ thể: Migraine, nhức đầu do căng thẳng.
            - Nhức tăng khi cúi: nhức đầu chuỗi v.v…
1.10. Yếu tố dịu đau:
             Cơn nhức Migraine dịu đi khi: nghỉ ngơi, buồng tối.
- Nhức đầu typ Tension: xoa bóp, chườm nóng.
- Nhức đầu chuỗi: ấn trên chỗ nhức, chườm nóng trên chỗ nhức, đi lại, vận động sẽ làm dịu nhức.
1.11. Tiền sử gia đình:
            - Migraine và nhức đầu typ Tension: có tiền sử gia đình.

Tóm lại:
Trong hỏi bệnh cần phải:
– Khai thác bệnh sử: bệnh sử bệnh nhân là phần quan trọng nhất của việc đánh giá nhức đầu, cần khai thác kỹ về sự khởi phát, tần số, chu kỳ, thời lượng, tính chất, cường độ, vịtrí, các yếu tố tăng giảm và tăng, các triệu chứng phối hợp, các biểu hiện thần kinh, việc dùng thuốc trong quá khứ và hiện nay. Các dị ứng và chấn thương cần được xác định.
– Tiền sử gia đình: nhức đầu Migraine có khuynh hướng di truyền. Nguyên nhân dẫn tới nhức đầu thứ phát có thể phát hiện từ sự hiểu biết về tiền sử bệnh trong gia đình như tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, đái tháo đường, ung thư.
– Các stress xã hội và cá nhân: cần tìm hiểu công việc, giấc ngủ, ăn uống, thời gian hoạt động. Xác định sự tiêu thụ rượu, nước uống có cà phê, hút thuốc lá, thuốc lào và tiền sử dùng các thuốc khác.
2. Khám thực thể
Mục đích để xác định và loại trừ những nguyên nhân thứ phát của nhức đầu.
– Khám về đầu, cổ, thần kinh: xác định tăng nhạy cảm nhức, sự không đều về hình dạng, các tiếng bất thường trên hốc mắt, các động mạch cảnh, thái dương và động mạch chẩm.
– Đánh giá cảm giác nhức khi miệng mở và đóng, các khớp cắn lệch và sự nhạy cảm nhức của khớp thái dương – hàm. Gõ trên xoang trán và xoang hàm tìm nhạy cảm nhức.
        Trong nhức đầu vùng chẩm nên đánh giá đốt sống cổ, đánh giá động tác ngửa gấp và quay. Bệnh đốt sống cổ có thể dẫn đến nhức đầu gây ra do co cơ hoặc bệnh rễ thần kinh chẩm. Cần đặc biệt chú ý tới các dây thần kinh sọ não, thần kinh thị giác.
– Đánh giá về tâm lý: sử dụng các test chuẩn về tâm lý.
– Khám các chuyên khoa: khám mắt, khám thị lực, thị trường.
– Khám răng hàm mặt: phát hiện răng sâu, răng mọc lệch.
– Khám tai mũi họng: phát hiện viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm họng và amydal…
VII. CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG
Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng các chứng nhức đầu nguyên phát.
1. Nhức đầu migraine
      1.1. Định nghĩa:
      - Là bệnh nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ.
      - Tỉ lệ bệnh là 18% nữ, 6% nam.
      - Khởi phát ở tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.
      1.2. Đặc điểm lâm sàng đau đầu migraine:
·   Yếu tố khởi phát:
         - Yếu tố tâm lý: stress, ngủ quá nhiều, mất ngủ.
         - Yếu tố môi trường: thay đổi thời tiết, mùi khói, thuốc lá, nước hoa.
         - Hormon: chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, mãn kinh, thuốc ngừa thai.
         - Chế độ ăn: rượu, caffeine, chế độ ăn không điều độ.
·   Dấu hiệu báo trước:
         Trong vài giờ hoặc một ngày trước khi có cơn đau đầu, bệnh nhân có các triệu chứng về tâm thần hoặc thần kinh thực vật như trầm cảm hoặc kích thích, uống nhiều, tiểu nhiều, phù, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, đổ mồ hôi, mệt mỏi.
·   Tiền triệu:
         - Tiền triệu “dương tính” tức là chói sáng và di chuyển, và có cấu trúc, ví dụ như dạng sóng hoặc một hình liềm răng cưa.
         - Tiền triệu “âm tính” như mất hoặc giảm thị lực đơn thuần.
         - Tiền triệu cảm giác bản thể như cảm giác tê bì, châm chích ở một chi trên và mặt cùng bên.
         - Tiền triệu ít gặp hơn là tê tay và mặt một bên hay mất ngôn ngữ thoáng qua.
·   Nhức đầu:
         - Khởi phát đau thường một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên.
         - Đau theo nhịp mạch.
         - Cường độ tăng dần và dữ dội.
         - Thời gian cơn đau từ vài giờ đến vài ngày nếu không điều trị. Trường hợp cơn kéo dài gọi là trạng thái migraine.
·   Triệu chứng đi kèm: buồn nôn, nôn, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, sợ mùi, chóng mặt tư thế, mất khả năng tập trung.
·   Trạng thái sau cơn:
         Mệt mỏi, uể oải, cảm giác yếu toàn thân và buồn ngủ, kéo dài vài giờ đến vài ngày





Cơn đau đầu migraine

      1.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán migraine (theo ICHD – II)
·   Migraine không tiền triệu:
- Số cơn nhức đầu: ít nhất 5 cơn.
- Thời gian nhức đầu: 4 – 72 giờ nếu không điều trị.
- Đặc điểm nhức đầu: ít nhất 2 trong các đặc điểm:
   . Vị trí ở nửa đầu.
   . Cường độ trung bình hoặc nặng.
   . Nặng lên với hoạt động thể lực thông thường.
- Các triệu chứng kết hợp: ít nhất một trong các triệu chứng sau:
   . Buồn nôn hoặc nôn.
   . Sợ ánh sáng và sợ tiếng động.
·   Migraine có tiền triệu:
         Các cơn với nhức đầu thỏa các tiêu chuẩn trên, cộng với các tiền triệu có những đặc điểm sau:
         - Số cơn có tiền triệu: ít nhất hai cơn.
         - Thời gian của tiền triệu: hình thành trong 5 – 20 phút và biến mất trong vòng 60 phút.
         - Đặc điểm của tiền triệu: có ít nhất 3 trong các đặc điểm sau:
            . Một hoặc nhiều triệu chứng có hồi phục hoàn toàn của rối loạn cục bộ chức năng vỏ não (thị giác, cảm giác, ngôn ngữ, vận động) hoặc thân não (chóng mặt, song thị, thất điều).
            . Ít nhất một trong các triệu chứng này phát triển trong một khoảng thời gian ít nhất là 4 phút, hoặc các triệu chứng xảy ra liên tiếp.
            . Không có triệu chứng nào kéo dài hơn 60 phút.
            . Đau đầu theo các tiêu chuẩn của migraine không tiền triệu phát triển trong vòng 60 phút so với tiền triệu.
      2. Nhức đầu căng cơ
            2.1. Đặc điểm lâm sàng nhức đầu căng cơ: cơn nhức đầu kéo dài vài phút đến nhiều ngày. Cảm giác nhức như siết chặt, nặng đầu ở cả hai bên đầu, cường độ trung bình, không tăng khi hoạt động, không có nôn ói nhưng có thể có triệu chứng sợ ánh sáng hay tiếng ồn.

            2.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán nhức đầu căng cơ kịch phát:
      - Có ít nhất 10 cơn với các đặc tính sau:
            . Số ngày bị nhức đầu < 15 ngày/tháng.
            . Nhức đầu kéo dài 30 phút đến 7 ngày.
      - Có ít nhất 2 trong 4 triệu chứng sau:
            . Đau âm ỉ, nặng đầu, không theo nhịp mạch.
            . Cường độ vừa phải.
            . Đau hai bên đầu.
            . Không tăng khi gắng sức hay hoạt động thể chất.
      - Và có đủ hai đặc tính:
            . Không buồn nôn hay ói.
      . Không có triệu chứng sợ ánh sáng hay tiếng ồn, hoặc chỉ có một trong hai.
            3. Nhức đầu cụm
            3.1. Đặc điểm lâm sàng:
      - Cơn đau của nhức đầu cụm có cường độ rất dữ dội, cơn thường xảy ra đúng giờ, thường xảy ra vào ban đêm sau khi bệnh nhân ngủ được vài giờ.
      - Cơn đau tập trung sau hốc mắt hoặc trên trán gần phía thái dương một bên đầu, đau có cường độ dữ dội kèm theo các triệu chứng co nhỏ đồng tử, sung huyết kết mạc mắt, nghẹt mũi một bên, vã mồ hôi một bên mặt. Đau có thể lan xuống vai, cổ một bên. Bệnh nhân có triệu chứng sợ ánh sáng nhưng thường ít khi nôn ói.
      - Mỗi đợt đau thường kéo dài khoảng ba tháng, các đợt cách nhau khoảng 12 tháng hay hơn.
      - Tần số cơn đau trong mỗi đợt: mỗi ngày đều đau hay cách ngày.
            3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán
      - Đau dữ dội một bên hốc mắt, trên hốc mắt hay vùng thái dương kéo dài từ 15 – 180 phút nếu không điều trị.
      - Số cơn đau: từ 1 đến 8 cơn mỗi ngày .
      - Kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng sau đây ở phía bên đau:
         . Chảy nước mắt.
         . Sung huyết kết mạc mắt.
         . Nghẹt mũi.
         . Chảy nước mũi.
         . Vã mồ hôi vùng trán và mặt.
         . Hẹp khe mi.
         . Co đồng tử.
         . Phù mi mắt.


Tóm lại:
Để đưa ra chẩn đoán lâm sàng thì cần phải biết: Nhức đầu đó là nguyên phát hay thứ phát, lan tỏa hay là khu trú

-         Phân biệt 3 kiểu nhức đầu nguyên phát.



VIII. CẬN LÂM SÀNG
Có nhiều phương pháp chẩn đoán bổ trợ được ứng dụng cho việc thăm khám bệnh nhân nhức đầu. Tuy nhiên tuỳ từng trường hợp cụ thể, tuỳ từng đặc tính bệnh học của các quá trình bệnh lý mà người thầy thuốc cần lựa chọn phương pháp thích hợp.
1. Chụp X-quang cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não
Ưu thế trong chẩn đoán khối choán chỗ, nhồi máu, chảy máu, áp xe, não nước... Khó chẩn đoán trong bệnh lý hố sau, khoang sọ gần nền, vùng gần lỗ chẩm lớn vì hay có nhiễu xương.
     Ở bệnh nhân Migraine: hình ảnh CLVT bình thường, nhưng nếu nhức liên tục vài ngày có thể thấy một vùng phù não nhưng không thấy ổ nhồi máu.
    Nhức đầu chuỗi, nhức đầu do căng thẳng, nhức đầu chức năng: cho hình ảnh CT bình thường.
2.  Chụp sọ thường:
   - Khi đã có phim CLVT với hình ảnh mở cửa sổ xương thì không cần cho chỉ định chụp x - quang sọ quy ước nữa.
- Các tổn thương dễ thấy trên phim x - quang sọ quy ước là: dãn hố yên, tổn thương xương, dị dạng sọ…
3. Chụp  cột sống cổ
   - Các bệnh nhân đau vùng chẩm, có hội chứng vai- cánh tay, hội chứng thiểu năng sống – nền có thể thấy hình ảnh thoái hoá cột sống cổ.
   - Khi nghi ngờ có tổn thương vùng C1, C2 cần cho chỉ định CLVT .
4. Chụp hình cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging hay MRI): thường không nhất thiết chỉ định cho mọi bệnh nhân nhức đầu.
   - Ưu điểm: có ưu thế trong chẩn đoán các bệnh lý hố sau, biểu hiện lỗ chẩm lớn rất rõ, phát hiện dị dạng chẩm - cổ tốt, và chẩn đoán các bệnh lý phần mềm (não, tuỷ, phần mềm cổ), và cột sống cổ.
5. Chup mạch cộng hưởng từ (magnetic resonance angiography hay MRA): dùng điều tra mạch máu trong hoặc ngoài sọ, chẩn đoán dị dạng mạch rất tốt và rất thích hợp trong chẩn đoán huyết khối xoang tĩnh mạch nội sọ.
6. Chụp động mạch não qua da (percutant angiography hay AG) hoặc chụp mạch mã hoá xoá nền: hiếm khi được dùng để chẩn đoán các chứng nhức đầu không kèm theo tổn thương khu trú.
         Có lợi ích trong chẩn đoán tắc, hẹp mạch gây nhức đầu. Cần tiến hành chụp động mạch não để chẩn đoán thông động - tĩnh mạch, phình mạch. Tuy nhiên theo quan điểm của đa số tác giả nếu chụp AG trong cơn nhức đầu có thể gây các tai biến nguy hiểm.
7. Chẩn đoán phóng xạ: dùng để chẩn đoán rò dịch não tuỷ.
8. Xét nghiệm dịch não tuỷ: dùng để loại trừ các bệnh thực thể.
9. Điện não đồ: hiếm có tác dụng trong chẩn đoán nhức đầu, không có thay đổi đặc hiệu trong từng loại nhức đầu. Có lợi trong chẩn đoán nhức đầu có tổn thương thần kinh khu trú nhưng chẩn đoán hình ảnh cho kết quả bình thường và có lợi trong chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi ý thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://en.wikipedia.org/wiki/Headache
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/headache


Post a Comment

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget